Chi hệ hậu đãi Vĩnh_Hoàng

Định vương phủ sau khi phân phủ, xếp vào cánh trái của Chính Lam kỳ, cùng kỳ tịch với Giản Tĩnh Bối lặc Dận Y, Cung Cần Bối lặc Dận Hỗ của Thanh Thánh Tổ Khang Hi Đế.

Vĩnh Hoàng qua đời, lưu lại chỉ hai người con. Người thứ nhất, do Đích Phúc tấn sở sinh, là [Miên Đức; 綿德]. Do là đích trưởng, Miên Đức kế thừa tập ấm, nhưng rồi vào năm năm Càn Long thứ 40 (1776) bị hạch tội mà cách tước. Tước vị truyền cho con thứ, do Trắc Phúc tấn sinh ra, tức [Miên Ân; 綿恩], một chi trở thành Định vương phủ Đại tông. Không lâu sau đó, năm thứ 42 (1778), Miên Đức được gia ân vào Nhập bát phân tước vị, một chi lại trở thành Định vương phủ Tiểu tông. Tuy là phân ra, nhưng cuối cùng qua vài đời thì chi của Miên Ân vô tự, phải đem con của chi Miên Đức thừa tước, là Định Thận Quận vương Phổ Hú (溥煦). Mẫn Đạt Bối lặc Dục Lãng (毓朗), là con trai thứ của Phổ Hú.

Dù Vĩnh Hoàng bị trách cứ ra sao, nhưng một chi hệ của ông qua các đời vẫn đặc biệt được coi trọng. Tỉ như năm Càn Long thứ 59 (1794), tháng giêng, quan Lễ bộ tấu thỉnh xin sắp đặt chỗ ngồi của Định Thân vương Miên Ân, Càn Long Đế phê thứ: ["Xếp ngay sau Di Thân vương Vĩnh Lang"], tức ngay sát Thiết mạo tử vương. Đối với luận thứ tự của hoàng thất, Định Thân vương khi ấy đã là đệ nhất trong hàng tước vị không phải Thiết mạo. Khi Định Thân vương bị tập ấm giáng làm Quận vương, thì các Định Quận vương cũng chỉ xếp sau hai tước vị Quận vương Thiết mạo, ấy là Khắc Cần Quận vương cùng Thuận Thừa Quận vương. Đời sau đó giáng xuống Bối lặc, Định vương phủ Bối lặc như cũ là đứng đầu các Bối lặc.

Mặt khác, Miên Ân tuy xét ra chỉ là con thứ, nhưng Càn Long Đế vẫn đặc biệt tán thưởng. Càn Long Đế từng ra chỉ dụ nói:「"Định Quận vương Miên Ân là con trai của Hoàng trưởng tử Vĩnh Hoàng. Hoàng trưởng tử là Trưởng tôn của Hoàng khảo, mà Miên Ân trong chư vị Hoàng tôn tuổi cao nhất, khi đảm nhiệm quản lý các doanh kỳ đều hết sức cẩn thận, rất là đắc lực, thêm ân tấn phong Thân vương. Miên Ân nên ích tư cần cù, lần thỉ kiền cung, để dựa vào ân quyến"」[6]. Sau khi Miên Ân qua đời, Đạo Quang Đế bình luận: ["Định Thân vương Miên Ân, đoan cẩn cầm cung, hiền năng tích, từ nhỏ ngưỡng thừa Hoàng tổ Cao Tông Thuần Hoàng đế ân quyến, đối Hoàng khảo Nhân Tông Duệ Hoàng đế luôn kính cẩn đắc lực, quản lý các doanh kỳ đều chu toàn, thăng được Ngự tiền Đại thần, đều có thể tận tâm cương vị công tác, lực thỉ công cần"][7].

Một chi hệ Định vương phủ được ban 2 tòa phủ để, phân biệt là Đại tông và Tiểu tông cư trú, cùng lúc được ban phân vào năm Càn Long thứ 43 (1779)[8]. Theo đó, dòng Đại tông của Miên Ân được ban vương phủ ở bên ngoài Tây Hoa môn (西華門), ngay bên cạnh Lễ vương phủ (hậu duệ Đại Thiện), nay là khu Cang Ngõa thị (缸瓦市) của Tây Thành, Bắc Kinh. Bên trong phủ có thể chia làm ba lộ, trung lộ là chủ thể kiến trúc, cửa chính ba gian, chính điện năm gian, hậu điện ba gian, hậu tẩm năm gian, Hậu Trảo lâu năm gian, Tây bộ là khu sinh hoạt, phía Đông là khu sinh hoạt cùng hoa viên. Định vương phủ tiểu tông phủ đệ là khu vực ngạn Bắc của Thạch Hổ hồ đồng (石虎胡同), nay là khu vực Bài Lâu công phủ (牌樓公府) của Tây Đơn, Bắc Kinh.